Valve thua kiện, bị tòa án Pháp yêu cầu ‘phải cho phép người dùng bán lại game đã mua trên Steam’
Một tòa án tối cao tại Pháp tuần này đã ra phán quyết đầy tranh cãi, khi yêu cầu Valve (công ty chủ quản của Steam) phải cho phép người dùng Steam được tự do bán lại các tựa game định dạng digital (kĩ thuật số) đã mua trên nền tảng này một cách hợp pháp. Theo đó, với phán quyết này, người dùng Steam tại Châu Âu có thể thoải mái mua hoặc bán lại với người dùng khác các tựa game mình đã mua trên Steam.
Từ trước đến nay, việc mua đi – bán lại các tựa game digital trên các nền tảng như Steam, uPlay, Epic Games Store, GoG Origins trên PC, hay PSN (PS4), Xbox Live (Xbox One) là điều gần như bất khả thi. Hầu hết các nền tảng phân phối game trực tuyến này đều có một chính sách chung và nhất quán, khi không cho phép người dùng thực hiện giao dịch mua bán với người dùng khác sau khi mua game trên các nền tảng này. Điều này trái ngược hoàn toàn với thị trường đĩa game cũ (đĩa game 2nd), vốn cho phép người có thể thoải mái “mua đi bán lại” hoặc trao đổi với các game thủ có nhu cầu mà không cần sự cho phép của nhà phát hành hay nhà phân phối.
Theo Polygon, phán quyết của tòa án là một chiến thắng cho Hiệp hội người tiêu dùng tại Pháp – UFC-Que Choisir. Vào bốn năm trước, UFC-Que Choisir đã gửi đơn kiện lên tòa án tối cao thành phố Paris, cáo buộc Steam và Valve đã có những hoạt động xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng khi cấm bán lại các tựa game digital.
Về phía Valve, các luật sư của công ty này đã cố gắng tranh luận tại tòa khi lập luận, Steam là một dịch vụ cung cấp game hoạt động theo kiểu trả phí thuê bao, tương tự như Netflix ở mảng phim ảnh. Tuy nhiên, tòa án tối cao thành phố Paris đã bác bỏ lời biện hộ này và cho rằng Steam thực chất là một nền tảng phân phối game trực tuyến, vốn cho phép người dùng được sở hữu vĩnh viễn game sau khi mua. Theo thẩm phán của tòa án tối cao Paris, việc gọi Steam là dịch vụ thuê bao là thiếu căn cứ, khi người dùng không phải trả tiền thuê bao hàng tháng để chơi một hoặc nhiều tựa game.
Theo luật pháp tại Châu Âu, tất cả hàng hóa, bao gồm phần mềm, có thể được tự do mua bán mà không cần sự cho phép của nhà sản xuất hoặc người bán ban đầu. Việc Steam và Valve cấm người dùng bán lại game đã mua là trái với luật pháp của Liên Minh Châu Âu, khi nó “cản trở dòng dảy tự do của sản phẩm kỹ thuật số”, theo phán quyết của tòa án tối cao thành phố Paris.