
Chưa tới 20% người Việt xem Anime bản quyền
Câu chuyện về vấn đề bản quyền đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây, và nó cũng là dịp để A4VFamily – một nhóm dịch thuật anime có bản quyền lớn tại Việt Nam giải bày nhiều sự thật về ngành công nghiệp anime tại Việt Nam.

Thông qua phương pháp thủ công từ việc tính toán lượt xem giữa 4 trang anime lậu lớn nhất tại Việt Nam và các nền tảng anime bản quyền trong 20 bộ anime ngẫu nhiên được lên sóng thì chưa tới 20% người hâm mộ anime tại Việt Nam đang xem anime có bản quyền, theo A4VFamily.
Trên thực tế, con số này còn thấp hơn gấp nhiều lần do phạm trù về anime lậu không dừng lại ở chỉ 4 trang web được thống kê, và sự chênh lệch về cách tính lượt xem của mỗi nền tảng. Tuy nhiên, do ở Việt Nam chưa có một báo cáo chuyên sâu nào về vấn đề này nên đây vẫn là một con số đáng để tham khảo.
Thực tế cho thấy, Bilibili – một nền tảng xem anime có bản quyền cũng đã từng thử nghiệm phát sóng hầu hết các bộ anime mùa nhưng chỉ kéo dài khoảng chừng hơn 2 mùa thì cũng không thể gồng gánh nỗi bởi không có sự theo dõi của đông đảo của người hâm mộ.

Trao đổi với một cựu thành viên của một nền tảng xem anime lậu ở Việt Nam (người này xin ẩn danh) thì nhờ sự phát triển của anime có bản quyền nên anime đã dần được phát sóng gần như song song hoặc thậm chí là song song so với giờ Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.
Thông qua việc đ4nh c3p phụ đề và thậm chí video của các trang có bản quyền thì các nền tảng xem anime lậu đã dễ dàng có được video với độ nét thậm chí là 1080p chỉ sau 5-10 phút. Thậm chí với Bilibili thì chỉ là 2 phút là đã có thể công khai trên nền tảng.
A4VFamily cũng có chia sẻ trên Fanpage cá nhân về việc cảm thấy khó chịu, khi nhiều người cho rằng các trang anime lậu dịch tốt hơn anime có bản quyền khi thực tế các tác phẩm của trang lậu hầu hết đều được lấy từ anime có bản quyền.
Cũng theo thống kê từ trang này, chỉ trong mùa Đông 2025 thì ở Việt Nam đã có lên tới 41 bộ anime được mua bản quyền. Chỉ tính các bộ anime được phát trực tuyến trên MyAnimeList thì hơn 80% bộ anime đã được mua bản quyền.

Và thậm chí là 17/18 bộ anime, đạt hơn 94% các tác phẩm có trên 50 nghìn lượt theo dõi được nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính thống.
Như vậy, có thể dễ dàng thấy, thói quen xem anime lậu chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến con số người ủng hộ anime có bản quyền tại Việt Nam chưa đến 20%.
Theo A4VFamily, thị trường anime tại Việt Nam nếu so sánh thì cũng không thua kém Thái Lan hay các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng chính việc các trang lậu vẫn còn tồn tại đã làm ảnh hưởng to lớn đến Nhật Bản và các đơn vị sở hữu bản quyền.
Chia sẻ về vấn đề lỗi chính tả trong khâu dịch thuật, A4VFamily cũng chia sẻ thời gian dịch và khâu chuẩn bị của các tập phim chỉ kéo dài từ nhiều nhất là 1 tuần, và ít nhất là 12 giờ do vấn đề phát sinh từ Nhật Bản.
So sánh với light novel, hay manga khi chính thống về Việt Nam thì anime có thời gian chuẩn bị ít hơn so với các tác phẩm chính gốc khác.