[Game] Các công ty Game Trung Quốc cố gắng đẩy mạnh văn hóa nước nhà ra thế giới
Mới đây, Hiệp hội Xuất bản Kỹ thuật số và Âm thanh Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị thường niên với lãnh đạo cấp cao của hàng loạt công ty game hàng đầu nước này bao gồm Tencent, NetEase, Perfect World, miHoYo, Lilith Games và 37Games tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Sau buổi họp, các bên đã nhất trí về việc sẽ hướng tới việc quảng bá những giá trị văn hóa xã hội truyền thống của đất nước Trung Hoa ra thế giới thông qua ngành công nghiệp trò chơi.
Kể từ tháng 12/2022, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế và phê duyệt lại các tựa game cho thị trường nội địa, kết thúc 18 tháng đóng băng ngành công nghiệp trò chơi của nước này. Việc nối lại cấp phép trong 4 tháng liên tiếp rõ ràng đã giúp cho các hãng game “dễ thở” hơn rất nhiều. Dẫu vậy, họ cũng rút ra được những bài học thương đau từ đợt kiểm duyệt gắt gao vừa qua và việc cam kết tuyên truyền văn hóa Trung Quốc rõ ràng là một động thái xoa dịu, nhằm hạn chế những đợt siết chặt quản lý có thể xảy đến trong tương lai.
“Trò chơi điện tử từng được gọi là thuốc phiện tinh thần trong xã hội Trung Quốc, đó là điều mà mọi công ty trong ngành đều muốn tránh bị lặp lại … Khi các công ty game phát triển đến một mức độ nhất định, họ sẽ có trách nhiệm phải quảng bá các giá trị xã hội. Đó là khi doanh số của một công ty đạt hơn 1 tỷ nhân dân tệ (146 triệu đô la Mỹ) một năm.” – Zhang Yi, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu iiMedia chia sẻ.
Nhắc tới doanh số thì doanh thu từ việc bán game ở Trung Quốc đã giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 269,5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2022. Đây là đợt suy thoái đầu tiên trong hai thập kỷ gần đây. Nguyên nhân là bởi khó khăn kinh tế, áp lực pháp lý và nhu cầu tiêu dùng của game thủ giảm.
Để giảm bớt các áp lực pháp lý, các công ty game rõ ràng là cực kỳ hăng hái tham gia vào những hoạt động tuyên truyền. Ông Zhang Wei, phó chủ tịch Tencent (công ty game lớn nhất thế giới theo doanh thu) cho biết: “Với sự giúp đỡ của cơ quan quản lý thông qua chính sách, ngành công nghiệp trò chơi chắc chắn sẽ mang lại giá trị lớn hơn, trong nhiều lĩnh vực hơn.”
Vị phó chủ tịch của Tencent cũng chia sẻ rằng họ đã kết hợp các yếu tố văn hóa Trung Quốc vào nhiều trò chơi di động của mình, chẳng hạn như tựa game bán chạy nhất – Vương Giả Vinh Diệu. Ông Zhang mong muốn thể hiện văn hóa truyền thống, phong cách đương đại cũng như truyền tải các câu chuyện của Trung Quốc thông qua game.
Rõ ràng là vị phó chủ tịch này không nói suông, bởi Tencent thực sự đã tham gia nhiều dự án bảo tồn và phục hồi các công trình lịch sử, văn hóa bao gồm thư viện hang Đôn Hoàng, Trục Trung tâm Bắc Kinh (thành phố cổ Bắc Kinh) và đóng góp trong việc phát triển Vạn Lý Trường Thành kỹ thuật số của Trung Quốc .
Trong khi đó, Wang Yi – phó chủ tịch cấp cao của NetEase (công ty game lớn thứ hai Trung Quốc và là đối thủ nặng ký của Tencent) cho biết công ty sẽ “thổi luồng sinh khí mới” vào văn hóa truyền thống Trung Quốc thông qua các trò chơi của mình.
Liu Wei, đồng sáng lập và chủ tịch của miHoYo, người tạo ra Genshin Impact cũng không kém cạnh khi lặp lại những mục tiêu tương tự, đồng thời chỉ ra những thành tựu của họ trong việc tích hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc vào trong game.
Ông nhấn mạnh miHoyo đã sử dụng các tài sản trí tuệ của mình phục vụ cho mục đích quảng bá các giá trị truyền thống và công nghiệp hóa các sản phẩm văn hóa của Trung Hoa. Ví dụ như trong tựa game Genshin Impact, phong cảnh địa phương của một số thành phố như Quế Lâm và Trương Gia Giới đã được đem vào trong game, cụ thể là vương quốc Liyue, vùng đất nằm dưới sự bảo hộ của Nham Thần.
“Khi một người chơi hiểu tất cả các yếu tố văn hóa ẩn chứa trong các chi tiết của trò chơi, cho dù là người nước ngoài hay bản địa, anh ta cũng sẽ nhận diện được các giá trị văn hóa của Trung Quốc,” Ông Liu kết luận.