Steam từ lâu đã luôn được coi như một trong những nền tảng phát hành game lớn bậc nhất trên thế giới và thu hút đông đảo người dùng sử dụng. Các game thủ Việt cũng không phải ngoại lệ. Nhưng cách đây ít giờ, không ít người đã phải bất ngờ khi nhận ra không thể đăng nhập và trải nghiệm các tựa game trên Steam như trước.

Theo ghi nhận, rất nhiều game thủ đang tỏ ra ngỡ ngàng khi mặc dù vẫn truy cập được vào Steam, thế nhưng khi lựa chọn một số tính năng như mua game, thay vì hiện ra trang chủ của trò chơi như trước, những gì hiển thị đối với người chơi lại chỉ là dòng chữ Error Code: -102. Đáng nói, tình trạng này xuất hiện ở đa số người dùng Việt. Cũng theo phản ánh, các tính năng khác vẫn đang hoạt động bình thường và ít nhất, đa số người chơi vẫn có thể truy cập vào các tựa game trong thư viện ở thời điểm hiện tại. Thậm chí, ngay cả khi truy cập trên các trình duyệt để vào cửa hàng của Steam, các game thủ Việt cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự.

Hiện tại lý do khiến cho Steam gặp sự cố tại Việt Nam vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, theo ghi nhận, trang fanpage của VTC Game đang phải đón nhận “cơn bão phẫn nộ” từ game thủ. VTC Game là một trong những nhà phát hành game lớn tại Việt Nam.

Cụ thể, hầu hết các bài post gần đây của VTC Game đều bị thả phẫn nộ. Bài đăng mới nhất của VTC Game về buổi offline tựa game AU2 nhận phải hơn 1.400 lượt “angry”.

Đội ngũ ban quản trị fanpage VTC Game còn phải khóa tính năng bình luận ở các bài đăng này. Theoghi nhận, một số bình luận của game thủ cũng biến mất một cách bí ẩn.

Điều đáng nói là VTC từng có mối quan hệ hợp tác nhất định với Steam, bởi một trong những hình thức thanh toán của Steam là qua ví điện tử VTCPay. Được biết, Steam hỗ trợ VTCPay kể từ năm 2018. Tuy nhiên theo ghi nhận của game thủ, trong một vài ngày gần đây, phương thức thanh toán này đã lặng lẽ bị gỡ bỏ.

Trước đó, theo báo cáo từ Vietnamnet, nhiều nhà phát hành game trong nước cho rằng bị đối xử không công bằng, khi nền tảng Steam đang phát hành hơn 100.000 game không phép vào thị trường Việt Nam.

Tính đến thời điểm bài viết, tức sau 12 tiếng sau khi sự cố diễn ra, việc truy cập vào Steam vẫn tương đối chập chờn. Một số người dùng cho biết đã có thể truy cập lại bình thường, nhưng cũng có một số người dùng nói họ vẫn đang gặp vấn đề. Một số người dùng cho biết họ có thể truy cập vào cửa hàng Steam sau khi đổi DNS hoặc dùng VPN.