Cơn sốt manga từng bùng nổ khi lượng truyện tranh Nhật Bản tại Đức bán được khoảng 70 triệu cuốn (năm 2005), tăng 75% vào năm 2021.

Hôm 27/8, giới xuất bản Đức tổ chức Ngày Truyện tranh manga. Sự bùng nổ manga trong năm 2021 đã đưa Đức trở thành thị trường truyện tranh lớn ở châu Âu, với doanh số tăng mạnh.

Như thông lệ, vào ngày 27/8, hơn 720 hiệu sách trên khắp nước Đức tổ chức nhiều hoạt động, chương trình khuyến mại thu hút sự chú ý của các fans truyện tranh, nhằm kích cầu doanh số bán hàng.

Kể từ trước khi đại dịch bùng phát, manga đã bùng nổ ở quốc gia này. “Cơn sốt” manga từng bùng nổ khi số lượng truyện tranh Nhật Bản tại Đức bán được khoảng 70 triệu cuốn (năm 2005). Con số này đã tăng 75% vào năm 2021, ngay cả khi đại dịch xuất hiện.

Hai nhà xuất bản Đức là Carlsen và Egmont lần đầu tiên thống trị thị trường. Trong khi đó, các nhà xuất bản Kaze và Tokyopop, cũng như một loạt đơn vị khác đã cùng tham gia vào cuộc chiến manga.

Từ năm 2014, Hội chợ sách Leipzig của Đức đã tổ chức lễ hội Manga Comic-Con, thu hút rất nhiều khách tham quan đến từ cộng đồng cosplay các nhân vật trong truyện tranh. Sự giao lưu giữa truyền thống của Nhật Bản và châu Âu đã mở ra một lượng độc giả hoàn toàn mới, đặc biệt là các cô gái trẻ.

Trong lần trả lời phỏng vấn tờ Japan Bussines in Germany, ông Kai-Steffen Schwarz – Giám đốc biên tập manga, Nhà xuất bản Carlsen (có trụ sở tại Hamburg, Đức) – nói kể từ khi Dragon Ball (7 viên ngọc rồng) và Sailor Moon (Thủy thủ Mặt Trăng) xuất hiện tại Đức, thị trường manga ở Đức đã có một hướng đi mới.

Trung bình, Đức sản xuất 3.000-4.000 đầu truyện tranh mới mỗi năm. Quốc gia này cũng có danh mục truyện tranh kỹ thuật số với hàng nghìn tựa.

Vào đầu những năm 2000, manga chiếm 70% doanh thu truyện tranh của cả nước, trở thành một trong những câu chuyện xuất bản thành công lớn nhất ở Đức. Đất nước này bắt đầu xuất bản và xuất khẩu manga ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Kai-Steffen Schwarz cho biết vai trò của chuyển đổi số đối với ngành công nghiệp sách dù đã được tranh luận sôi nổi trong nhiều năm nay, vẫn không thực sự tác động đến thị trường manga ở Đức.

“Manga ở phiên bản sách giấy vẫn có sự tương tác, kết nối nhất định với độc giả. Thế hệ trẻ quen với việc online hàng ngày. Các nền tảng truyền thông trên mạng là yếu tố quan trọng giúp quảng bá ấn phẩm mới, chương trình khuyến mại hoặc các sự kiện đặc biệt. Công nghệ mạng cũng giúp chúng tôi tìm hiểu thị hiếu độc giả. Khoảng 25-30 đầu sách của chúng tôi cũng được xuất bản kỹ thuật số hàng tháng, nhưng con số đó thậm chí không chiếm đến 3% doanh thu”, ông Kai-Steffen Schwarz tiết lộ.

Theo ông, việc truyện tranh nói chung và manga nói riêng không phát triển mạnh ở phiên bản kỹ thuật số bởi “tính trực quan” của thể loại và “hành vi đọc” của các fans manga.